Khu công nghiệp Sông Hậu nơi Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan đầu tư xây dựng Trung tâm công nghiệp thực phẩm Miền Tây 2.
Mục tiêu dự án xây dựng trung tâm sản xuất và phân phối các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm, đồ uống… giá trị cao cho thị trường, tập trung vào thị trường các tỉnh miền Tây Nam bộ và các vùng phụ cận.
Theo đó, Tập đoàn Cổ phần Tập đoàn Masan sẽ xây dựng các nhà máy, kho xưởng... trên diện tích khoảng 46ha. Bao gồm 04 phân khu:
Phân khu 1: Nhà máy sản xuất thực phẩm, với diện tích khoảng 20,9ha: Sản xuất sản phẩm mì ống, mì dẹt đã được làm chín và các sản phẩm tương tự như mì, với công suất 80.000 tấn/năm. Sản xuất sản phẩm từ tinh bột khác (bún, phở, miến, hủ tiếu…), với công suất 27.200 tấn/năm. Sản xuất gia vị cho mì/phở/bún/miến/hủ tiếu, thảo mộc, đồ gia vị (Hạt nêm, gói rau, gói nêm, gói gia vị), với công suất 20.000 tấn/năm. Sản xuất các sản phẩm ngành Gia vị (tương ớt, nước tương…), với công suất 63.000 tấn/năm. Sản xuất nước giải khát, đồ uống không cồn, nước khoáng, với công suất 660 triệu lít/năm. Thổi phôi, chai PET, với công suất 45.000 tấn/năm. Xây dựng Hệ thống xử lý nước thải với công suất 6.000 - 8.000 m3/ngày đêm. Xây dựng Bến thủy nội địa 5.000m2. Sản phẩm dịch vụ cung cấp: Sản phẩm mì, bún, phở, hủ tiếu ăn liền, nước giải khát, hạt nêm, nước chấm các loại.
Phân khu 2: Nhà máy sản xuất bia đóng lon, đóng chai, bia hơi các loại, với diện tích khoảng 7,82ha, công suất 100 triệu lít/năm.
Phân khu 3: Nhà máy sản xuất mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa, làm bóng và chế phẩm vệ sinh, với diện tích khoảng 8,95ha, công suất 400.000 tấn/năm.
Phân khu 4: Kho bãi, nhà xưởng cho thuê, với diện tích khoảng 8,33ha, cho các công ty trong nội bộ Tập đoàn Masan thuê làm kho nguyên vật liệu, kho thành phẩm, bãi lưu trữ hàng hóa.
Tổng vốn đầu tư của dự án: 3.500 tỷ đồng (Ba nghìn năm trăm tỷ đồng). Trong đó: Vốn góp của nhà đầu tư 1.050 tỷ đồng (Một nghìn không trăm năm mươi tỷ đồng); Vốn huy động 2.450 tỷ đồng (Hai nghìn bốn trăm năm mươi tỷ đồng).
Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành: Từ năm 2022 – 2029.
Theo Quyết định UBND tỉnh Hậu Giang, nhà đầu tư thực hiện ký quỹ theo quy định tại khoản 1, Điều 43 Luật Đầu tư ngày 17/6/2020. Nhà đầu tư có trách nhiệm liên hệ đến sở, ngành liên quan để được hướng dẫn các trình tự, thủ tục về lĩnh vực đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường và đầu tư dự án theo đúng quy định; thực hiện dự án theo đúng quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Đồng thời, thực hiện định kỳ chế độ báo cáo thực hiện dự án trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư trong từng quý, năm. Biểu mẫu báo cáo được quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư trong các trường hợp theo quy định tại khoản 2, Điều 48 Luật Đầu tư ngày 17/6/2020.
UBND tỉnh Hậu Giang giao Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Giám đốc Sở: Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Theo Baoxaydung