Hoạt động chuyên nghành

Vinasoy sở hữu ngân hàng 1.533 nguồn gen đậu nành

Ngày đăng: 05/07/2022

Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy (VSAC) vừa có đợt đánh giá trồng khảo nghiệm 1.533 nguồn gen đậu nành tại huyện Cư Jút, Đak Nông sau 10 năm thu thập, nghiên cứu…

Từ trái sang phải: Ông Lê Hoàng Duy và ông Đinh Công Chính cùng đội ngũ kỹ sư, chuyên viên của VSAC tại Trạm khảo nghiệm Cư Jút, Đak Nông.


Đây là đợt trồng đánh giá toàn bộ nguồn gen đậu nành hiện có của Công ty sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) để làm vật liệu lai tạo giống, phát triển các giống đậu nành mới có chất lượng dinh dưỡng và năng suất cao, phù hợp với các vùng nguyên liệu khắp cả nước, phục vụ cho việc sản xuất sữa đậu nành tại 3 nhà máy trên cả nước.

Trạm khảo nghiệm Cư Jút đã chính thức gieo trồng, khảo nghiệm và đánh giá 1.533 nguồn gen đậu nành quý. Từ đó, các chuyên gia VSAC sẽ phân tích và lựa chọn những giống gen tốt nhất trong đợt thử nghiệm này cho các vùng nguyên liệu.

TS. Lê Hoàng Duy, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC), cho biết ngay từ buổi đầu thành lập, Vinasoy đã quyết tâm đầu tư cho vùng nguyên liệu để chủ động được nguồn đậu nành thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Vinasoy đã chọn tạo thành công giống đậu nành không biến đổi gen VINASOY 02-NS (non – GMO) có năng suất cao, phù hợp với các dòng sản phẩm và chuyển giao cho nông dân ở các vùng nguyên liệu cải thiện năng suất chỉ từ 1-1,5 tấn lên 2,5-3 tấn/ha.

“Chiến lược phát triển vùng nguyên liệu của Vinasoy được thể hiện rõ ở sự tập trung đầu tư bài bản vào hai yếu tố trọng điểm: ngân hàng nguồn gen và trạm khảo nghiệm tập trung. Sau nhiều năm thu thập, nghiên cứu, ngân hàng gen đậu nành từ các giống hoang dại đến các giống có các đặc tính chuyên biệt như năng suất cao, đạm cao, kháng sâu bệnh, kháng mặn, kháng phèn…”, ông Duy chia sẻ.

Với 2 yếu tố trên, Vinasoy đã rút ngắn được thời gian chọn tạo giống mới và phát triển được giống tốt chỉ sau 4-5 năm so với thời gian trung bình 10 năm ở các nước nổi tiếng cung ứng đậu nành như Canada, Mỹ… Điều này cho thấy năng lực và sự nghiêm túc trong việc phát triển bền vững vùng nguyên liệu đậu nành tại Việt Nam, góp phần phục hồi nguồn gen tốt, cải thiện năng suất cho nông nghiệp đậu nành trong nước.

Trước đó, Vinasoy đã phát triển được hai giống đậu nành VINASOY 01-CT và VINASOY 02-NS. Giống VINASOY 02-NS được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp phép lưu hành sản xuất đại trà tại 4 vùng nguyên liệu của Vinasoy: miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Đại diện Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ông Đinh Công Chính, Phó trưởng Phòng Cây Lương thực, Cây Thực phẩm, cho biết  thời gian qua, diện tích và sản lượng đậu nành của nước ta liên tục giảm dần qua các năm.

Nếu như năm 2010, diện tích trồng đậu nành đạt 197,8 nghìn ha, thì năm 2021 chỉ còn hơn 37 nghìn ha, giảm hơn 75% so với năm 2010. Việt Nam sẽ thiếu hụt 3,5–5 triệu tấn đậu tương/năm, trở thành nước nhập khẩu đậu nành lớn với kim ngạch 2–3 tỷ USD/năm, tương đương kim ngạch xuất khẩu gạo hiện nay.

Theo ông Chính, nhờ sở hữu nguồn gen đậu nành quý, đa dạng cùng nền tảng nghiên cứu tiên tiến, Vinasoy có nhiều cơ hội chọn tạo ra nhiều giống đậu tương tốt, đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất, tạo niềm tin trong liên kết sản xuất đậu nành với nông dân và phù hợp với chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng. Đây là việc làm rất ý nghĩa, mang tính dài hạn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao trong công tác chọn tạo giống, phát triển vùng trồng.

Năm 2022, Vinasoy dự kiến sẽ thực nghiệm thành công với hơn 300 ha đậu nành tại các vùng nguyên liệu và tiếp tục mở rộng hơn 9.000 ha ruộng đậu nành trên cả nước trong thời gian tới.

Theo VnEconomy

 Thiết kế và vận hành: Gamma NT
  • Đang truy cập: 9 , Tổng truy cập: 348866
  • facebook
  • google-plus
  • youtube
  • twitter