Viện Công nghệ Israel (Technion) cho biết các nhà khoa học nước này đã dựa vào thực vật để phát triển các cấu trúc khung trong quá trình phát triển thịt "nuôi cấy", hay còn gọi là thịt nhân tạo.
Công nghệ mô đóng vai trò quan trọng trong phát triển thịt "nuôi cấy". Công nghệ này bao gồm việc tìm ra các tế bào phù hợp cho công nghệ chế tạo cấu trúc khung và công nghệ mô phỏng - vốn rất cần để bắt chước những mô phức tạp của động vật.
Trong nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Biomaterials, các nhà khoa học Israel đã sử dụng hỗn hợp trộn giữa đạm đậu nành và đậu Hà Lan với chất alginate đã qua điều chỉnh để thay thế cho các chất tạo thành cấu trúc khung vốn được chiết xuất từ động vật trong việc nuôi mô cơ.
Cấu trúc khung được làm từ hỗn hợp thực vật này có độ bền chắc cao, cho phép sự phát triển của các tế bào được lấy từ bò - chất liệu chính sản xuất thịt nuôi cấy.
Sau đó, các nhà khoa học in cấu trúc khung này bằng mực sinh học theo không gian 3 chiều, trong đó có cả hỗn hợp thực vật trên.
Các nhà khoa học đã bổ sung các tế bào được lấy từ thịt bò vào hỗn hợp này trước khi in, hoặc đưa tế bào này vào cấu trúc khung này sau khi in.
Các nhà khoa học Israel đã quan sát sự phát triển rất nhanh của các tế bào bò sau khi in. Chúng cũng phát triển đủ để tạo nên các thớ cơ giống như ở bò thật. Công nghệ này sẽ thúc đẩy sản xuất thịt nuôi cấy trên quy mô lớn trong tương lai.
Công nghệ mô là một ngành khoa học tương đối mới mẻ, trong đó các nhà khoa học sử dụng tế bào sống, các vật liệu tương hợp sinh học và các yếu tố khác nhau để tạo ra các cấu trúc tương tự các mô, cơ quan với mục đích chủ yếu là cấy ghép vào cơ thể người nhằm thay thế những bộ phận hoặc cơ quan đã hỏng, hoặc sản xuất thịt nuôi cấy.
Theo Thực phẩm tốt nhất (Theo TTXVN)