Hoạt động chuyên nghành

Bao giờ nông sản Việt Nam không phải giải cứu?

Ngày đăng: 16/03/2021

Điệp khúc “được mùa rớt giá”, “giải cứu nông sản” đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng dường như vẫn chưa có một giải pháp căn cơ mang tầm chiến lược để nông sản không còn đối mặt với nỗi lo triền miên “giải cứu”.
 Trước và sau tết nguyên đán 2021, do tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp và bùng phát trên địa bàn nhiều tỉnh trong cả nước, nông sản của bà con đến vụ thu hoạch nhưng không tiêu thụ được dẫn đến ù ứ và hư hỏng nặng.Giá rẻ mạt, dân nhổ rau làm… phân bón, các địa phương kêu gọi giải cứu ...
 
Xã Quỳnh Minh (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) có 160 ha rau, trong đó khoảng 120 ha hành lá. Ông Hồ Diên Hữu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Minh, cho biết trồng rau là nghề chủ lực của người dân trong xã, nhưng chưa khi nào giá rau lại rớt thê thảm như năm nay. Hành lá hiện chỉ 2.000 đồng/kg (trước đây 8.000 - 10.000 đồng/kg) nhưng vẫn rất khó bán. Hiện xã còn khoảng 80 ha hành chưa tiêu thụ được. Tiền bán rau không đủ tiền đầu tư giống, phân bón, nên nhiều nông hộ không muốn thu hoạch, phá bỏ rau ngay tại ruộng. “Giá rau quá rẻ là do thời tiết thuận lợi, cung vượt cầu, hơn nữa do dịch Covid-19 tái phát ở một số tỉnh nên rau không vận chuyển đi xa được”, ông Hữu nói.
 
 Tại xã Diễn Phong (H.Diễn Châu, Nghệ An), bắp cải cũng rơi vào tình cảnh tương tự: giá chỉ 1.000 đồng/kg nhưng vẫn rất khó bán, khiến người trồng không muốn thu hoạch. Bà Nguyễn Thị Tám, một hộ trồng rau, cho biết gia đình bà trồng gần 10 sào bắp cải, hiện đã đến kỳ thu hoạch nhưng không bán nổi. Tiếc của, vợ chồng bà chở bắp cải lên xe đi rao bán cho các trại nuôi bò hoặc nuôi ốc bươu, nhưng mỗi xe bắp cải cũng chỉ bán được khoảng 150.000 đồng. “Trước đây, có thời điểm giá rẻ nhưng thương lái vẫn đến thu mua tại ruộng. Năm nay do dịch Covid-19 nên thương lái không thu mua, tiền bán bắp cải chưa đủ tiền bơm nước tưới”, bà Tám buồn bã nói.
Tại các vùng chuyên canh trồng rau ở TP.Vinh, H.Hưng Nguyên (Nghệ An), tình cảnh cũng tương tự khi rau bán mỗi bó chỉ 1.000 đồng nhưng cũng ít người mua. Với giá quá rẻ mạt, nhiều hộ dân không muốn thu hoạch, đã nhổ bỏ rau để làm phân bón.
 
 

Bà con xã Diễn Phong - Diễn Châu - Nghệ An thu hoạch bắp cải
 
Ngày 23.2, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đạ K’Nàng (Lâm Đồng) gửi đến các cơ quan, đoàn thể thư xin được hỗ trợ “giải cứu” hàng tấn nông sản tại địa phương do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không tiêu thụ được. Trong thư của HTX này ghi: Các nguồn tiêu thụ chính như chợ đầu mối đều tạm dừng nhập hàng trong khi lượng nông sản hiện tại của HTX sản xuất khoảng 1.000 tấn rau củ quả các loại, đặc biệt trong đó có khoảng 300 tấn bắp cải, cải thảo cần giải cứu. Các mặt hàng nông sản cần được giải cứu lần này chủ yếu rau xà lách, cà chua, bắp cải, dưa leo, cải thảo...
 
Trước đó, hàng chục ngàn tấn nông sản tại Hải Dương cũng được địa phương này gửi thông tin khắp nơi xin được hỗ trợ “giải cứu” do đến vụ thu hoạch, song địa phương đang bị phong tỏa khiến các phương tiện giao thông đến và đi đều gặp khó khăn lớn. Nhiều loại nông sản ở đây như hành, cà rốt, bắp cải, súp lơ... đang đến kỳ thu hoạch với 70% phục vụ thị trường nội địa (chủ yếu Hà Nội và các tỉnh phía bắc) và 30% xuất khẩu đều bị ùn ứ.
 
Người dân Thủ đô Hà Nội và Sài Gòn giải cứu nông sản
 
Trước tình trạng trên, hệ thông các siêu thị lớn trên địa bàn cả nước đã triển khai thu mua với số lượng lớn nông sản của các địa phương. Tiêu biểu như thống siêu thị GO!/Big C cho biết, trung bình mỗi tuần, hệ thống này đang tiêu thụ khoảng 70 tấn nông sản của tỉnh Hải Dương gồm: cà rốt, cà chua, su hào, bắp cải, súp lơ, hành lá... Hệ thống siêu thị Saigon Co.op tại Hà Nội cũng đã tổ chức thu mua nông sản của Hải Dương, bán hàng không lợi nhuận từ mấy ngày qua. Trên trang fanpage của Co.op Food cũng giới thiệu chi tiết về chương trình bán nông sản không lợi nhuận - chung tay hỗ trợ nông dân vượt dịch này và nhận được nhiều tương tác của khách hàng. Đại diện phía VinMart cũng cho hay tham gia mua nông sản của nông dân Hải Dương và hiện nhiều loại nông sản từ địa phương này đã được phủ kín tại 70 siêu thị VinMart và 1.323 cửa hàng VinMart+ ở miền Bắc.
 
Không chỉ các hệ thống bán lẻ hiện đại, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại nhiều TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... đều đứng ra kêu gọi hoặc trực tiếp ra tận nơi mua nông sản hỗ trợ nhà nông ở Hải Dương. Liên tục trong nhiều ngày qua, tại TP.HCM, trên vỉa hè đường Cao Thắng (P.4, Q.3), một nhóm tình nguyện viên trẻ chăm chút trao những bịch bắp cải chở từ Hải Dương vào cho khách dừng bên đường hỏi mua, giá được trả tùy hỷ của người mua được bỏ trong thùng, bên ngoài ghi “Tùy tâm ủng hộ nông sản Hải Dương”.
 
Tương tự, trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) cũng có điểm bán bưởi “giải cứu” cho nông dân H.Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Sáng 25.2, đại diện Trung tâm nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Viện KH-KT-NN miền Nam cho biết, do dịch bệnh Covid-19 đúng cao điểm tiêu thụ trước tết khiến lượng bưởi đào của các hộ dân tại H.Cẩm Mỹ không bán được. Khảo sát của viện cho thấy, toàn H.Cẩm Mỹ có khoảng 500 - 600 tấn bưởi đào bị tắc đầu ra. Thế nên, Viện đã phối hợp với Liên đoàn Lao động TP.HCM, Công đoàn cơ sở khối của Bộ NN-PTNT mở 3 điểm giải cứu bưởi Đồng Nai tại Q.1, Q.10 và Q.12. Giá bán chỉ 15.000 đồng/kg, thấp hơn giá thương lái vào vườn cắt trước đây.
Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), tại một điểm chuyên bán rau củ quả Đà Lạt cũng trưng bảng giá hỗ trợ rau củ sạch Đà Lạt chỉ từ 10.000 đồng/kg. Chủ cửa hàng này cho biết do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, rau củ Đà Lạt không đi Bắc được nên nông sản ùn ứ số lượng lớn. Chủ cửa hàng đã cùng bạn bè trên Đà Lạt quyết định “giải cứu” nhiều loại rau củ quả hòng cứu được chừng nào hay chừng đó.
 
 Nguồn: Ftec

 Thiết kế và vận hành: Gamma NT
  • Đang truy cập: 6 , Tổng truy cập: 279871
  • facebook
  • google-plus
  • youtube
  • twitter