Hoạt động chuyên nghành

Công nghệ vệ tinh thúc đẩy nông nghiệp

Ngày đăng: 03/03/2020

Theo các nhà khoa học, hệ thống hiện nay bảo đảm thực phẩm đủ cho 3,4 tỷ người; còn sau 30 năm nữa, dân số thế giới tăng lên khoảng 10 tỷ người. Vì vậy, không có gì là ngạc nhiên khi các quốc gia đang ráo riết tìm kiếm và lựa chọn công nghệ có khả năng giải quyết vấn đề này.

Lương thực, thực phẩm trong tương lai có thể là thứ xa xỉ

Cách đây chưa lâu, người ta cho rằng đảm bảo thực phẩm cho mọi người là lẽ đương nhiên. Ngày nay, điều ấy trở thành thách thức rất lớn. Trên Trái đất hiện có khoảng 7,5 tỷ người sinh sống.

Ước tính, khoảng một nửa diện tích đất liền (khoảng 51 triệu km2) là khu vực dành cho canh tác. Về nguyên tắc, hành tinh của chúng ta có thể nuôi sống được 10 tỷ người. Tuy nhiên, trong thực tế việc này không hề đơn giản. Khoảng 3 tỷ người đang phải đối mặt với vấn đề thiếu lương thực.

Trợ giúp thông tin từ châu Âu

Nhiều quốc gia phải sử dụng các công nghệ hiện đại, chẳng hạn như hình ảnh vệ tinh, để trợ giúp sản xuất lương thực. Trong khuôn khổ Chương trình theo dõi Trái đất Copernicus của Liên minh châu Âu (phối hợp với Cơ quan Vũ trụ châu Âu), hàng ngày có một lượng thông tin khổng lồ về những gì đang diễn ra trên mọi ngóc ngách hành tinh được đưa về các máy chủ.

Thông qua Internet, người dùng đơn lẻ, các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp…đều có thể sử dụng những dữ liệu này.

“Các dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những thay đổi địa cầu, do thiên nhiên hoặc do con người gây ra. Trên cơ sở các dữ liệu đó, các nhà khoa học đã tạo ra mô hình dự đoán, phân tích cùng những công cụ khác nhau trong nhiều phân khúc thị trường.

Các công nghệ mới không chỉ làm cho cuộc sống chúng ta trở nên dễ chịu hơn, mà còn tối ưu hóa việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên và tăng cường sản xuất lương thực, thực phẩm” - ông Przemyslaw Mujta, Giám đốc Kỹ thuật Công ty CloudFerro (Ba Lan) cho biết.

“Ngành nông nghiệp là ví dụ điển hình trong việc sử dụng hiệu quả dữ liệu vệ tinh. Năm ngoái, dựa trên phân tích dữ liệu từ hệ thống vệ tinh Copernicus, Hi Lạp đã giảm sử dụng nước, phân hóa học và thuốc trừ sâu đến 19%; đồng thời tăng trưởng 10% trong sản xuất nông nghiệp” - ông Przemyslaw Mujta nói thêm.

Các dữ liệu vệ tinh phục vụ cho việc theo dõi tình hình trên Trái đất, tạo những mô hình trợ giúp nông nghiệp và quản trị các nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh (chẳng hạn, sử dụng ảnh vệ tinh để phân tích độ ẩm của đất canh tác hoặc xác định các khu vực có nguy cơ mất mùa).

“Các bản đồ vệ tinh có thể cung cấp cho nông dân thông tin rộng hơn về tình trạng canh tác, giúp đưa ra các dự báo, chẳng hạn như xác định nguy cơ mất mùa, đánh giá thiệt hại, tối ưu hóa việc sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu” - bà Godela Rossner (Cơ quan Vũ trụ Đức - DLR) cho biết như vậy.

Sản lượng ngày càng thấp

Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), ảnh hưởng hiện nay của biến đối khí hậu đối với Trái đất ngày càng rõ nét và nếu không có gì thay đổi thì ảnh hưởng này ngày càng trở nên tồi tệ. Các đợt nắng nóng kỷ lục năm ngoái ở châu Âu ảnh hưởng nhiều đến mùa màng; sản lượng nho của Pháp giảm 13%.

Lũ lụt ở Tây Mỹ làm giảm rõ rệt sản lượng ngô và đậu; các trận hạn hán quét sạch những cánh đồng lúa ở Thái Lan và Indonesia; còn hỏa hoạn thiêu trụi các đồn điền mía và cây lấy dầu ở Ấn Độ. Tất cả khiến cho giá thực phẩm lên cao, trở thành khó khăn lớn đối với các cư dân nghèo trên thế giới. Đối với họ, lương thực trong tương lai có thể trở thành món hàng xa xỉ.

Chính vì thế, các quốc gia và tổ chức quốc tế có nhiều hành động để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng cho tất cả mọi người. Nhiều quốc gia ngày càng đầu tư nhiều vào công nghệ. Thậm chí xuất hiện các quỹ đầu tư đặc biệt với mục tiêu tạo ra các giải pháp giảm thiểu tình trạng thiếu lương thực.

“Trên thế giới, một lượng thức ăn lớn đang bị lãng phí. Ước tính, mỗi năm có khoảng 1,6 tỷ tấn lương thực, trị giá hàng tỷ USD “bị ném vào thùng rác”. Tập đoàn Tư vấn Boston (Mỹ) dự đoán, đến năm 2030 con số này tăng lên gấp rưỡi.

“Tại các quốc gia đang phát triển, thách thức là cơ sở hạ tầng yếu kém. Các quốc gia phát triển có cơ sở hạ tầng tốt hơn, nhưng lại có vấn đề với hiện tượng tiêu dùng thái quá. Người tiêu dùng mua quá nhiều hàng hóa và ném vào thùng rác tất cả những gì họ không kịp tiêu thụ.

Các chuyên gia cho rằng phải có những bước đi kiên quyết để loại bỏ hiện tượng này. Mục tiêu cấp bách, theo Liên Hợp Quốc, là cung cấp đủ lương thực cho mọi người và cân bằng việc sản xuất lương thực” – ông Wojciech Stramski, Chủ tịch Quỹ Đầu tư công nghệ Deep Change Ventures (Ba Lan) cho biết.

Theo dõi tài nguyên

Dữ liệu vệ tinh cũng rất phổ biến ở châu Mỹ và không chỉ ở các quốc gia phát triển. Chẳng hạn, ở Panama, người dân có thói quen ăn cơm hàng ngày. Nông nghiệp của quốc gia này phần lớn dựa trên canh tác lúa gạo. Để theo dõi và bảo vệ mùa màng trước những hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt và biến động, các nhân viên Panama được huấn luyện cách sử dụng ảnh vệ tinh để theo dõi mùa màng và phân tích ảnh hưởng của thiên tai đối với canh tác lúa.

“Dữ liệu vệ tinh giúp nông dân đưa ra những quyết định chính xác, liên quan đến gieo trồng. Chúng tôi cố gắng để tất cả mọi người nông dân biết cụ thể điều gì đang diễn ra với việc canh tác của họ, để chọn lựa thời điểm tối ưu cho gieo trồng, bón phân, thu hoạch”, theo ông Alberto Martinelli, Chủ tịch Hội những người trồng lúa ở Panama.

Ước tính, sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, tại nước Đức, một người nông dân có khả năng nuôi sống 10 người. Ngày nay, nhờ tiến bộ công nghệ, 1 người nông dân có thể nuôi sống 140 người khác. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn.

Khí hậu thay đổi, và nhân loại chịu trách nhiệm về sự thay đổi này. Các điều kiện ngày càng khó khăn buộc chúng ta tìm kiếm các giải pháp ngày càng tiên tiến; tăng cường diện tích canh tác khiến rừng bị chặt phá. Điều đó mang lại kết quả trái ngược với mong đợi.

“Cần phải biết sử dụng hiệu quả những gì chúng ta đang có trong tay. Một trong những giải pháp để tối ưu hóa sản xuất và sử dụng tài nguyên là thực hiện nông nghiệp chính xác, dựa trên các thông tin từ vệ tinh” – ông Wojciech Stramski nhấn mạnh.

Theo Giaoducthoidai

 Thiết kế và vận hành: Gamma NT
  • Đang truy cập: 1 , Tổng truy cập: 279783
  • facebook
  • google-plus
  • youtube
  • twitter